Hàng mới về

Hàng bán chạy

 

'Con trai tôi hơn 4 tháng, suốt ngày mút tay. Mỗi lần bé mút tay hay bị trớ và chảy nước dãi, nhìn rất mất vệ sinh. Tôi nghe nói hầu như đứa bé nào cũng thích mút tay nhưng bé nhà tôi lại mút tay quá nhiều. Lúc bé đang bú cũng cho tay vào mút, đêm ngủ cũng đưa tay vào mồm... Bé không chỉ mút một, hai ngón tay mà thường đưa cả hai bàn tay vào miệng. Tôi rất lo thói quen này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của con. Làm cách nào để cháu không mút tay nữa' - (Hải Ninh).

 
Thạc sĩ Trần Thành Nam giải đáp:

Bé mút tay để dễ chịu hơn là biểu hiện bình thường, phổ biến nhất là 3-4 tháng tuổi. Lúc này, bé có xu hướng mút bất kỳ thứ gì ở gần miệng.

Phần lớn hành vi mút tay bắt nguồn từ cảm giác buồn chán hoặc lo lắng của bé. Hành vi mút tay là cách thức tự kích thích và giúp bé tìm lại cảm giác bầu sữa mẹ, như đang được gần mẹ. Sau đó, những hành vi này mới trở thành thói quen khó bỏ.

Vì vậy, để giảm thiểu hành vi mút tay, trước tiên cần đảm bảo một môi trường ấm áp, quan tâm. Khi thấy bé mút tay thì mẹ có thể ôm bé vào lòng, nói nựng nịu và dùng tay mình cầm lấy tay bé để bé không mút được nữa. Ngoài ra, có thể dạy bé những hành vi thay thế việc mút tay bằng cách làm cho tay bé bận rộn (ví dụ khi bé mút tay thì nhét vào tay bé một quả bóng cao su hoặc một con vịt cao su để cho bé bóp. Cha mẹ có thể hướng dẫn bé chơi với bóng hoặc vịt cao su và nói chuyện với bé khi bé chơi).

Nhiều người chọn cách cho bé mút ti giả để thỏa mãn.

Có người luôn tìm cách đánh lạc hướng, lôi tay bé ra khỏi miệng khi nhận thấy bé có dấu hiệu chuẩn bị mút tay. Quan trọng là không nên để mút tay thành thói quen ở bé.

Chúc bạn thành công!

                                                                      Theo VnExpress


Theo MeVaBe